Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy

là ly dục ly ác pháp, nói rõ nghĩa hơn là ở trong niệm thiện vô lậu. Niệm thiện vô lậu nghĩa là tâm đã muội lược lìa xa, từ bỏ tham, sân, si, mạn, nghi v.v… Thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy, mà đức Phật đã xác định trong Bát Chánh Đạo là Chánh định gồm Bốn thiền hữu sắc, còn gọi là Tứ Thánh Định, ngoài Tứ Thánh Định này, thì thiền định nào cũng không được gọi là Chánh định cả.

Người nào sống biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, ăn, ngủ, độc cư, trầm lặng là người có thiền định, tức là người biết ngăn ác diệt ác pháp. Thiền định của Phật Nguyên Thủy là loại thiền định xả tâm, vì thế phương pháp tu thiền định này là Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác pháp trên bốn chỗ trong thân ngũ uẩn: thân, thọ, tâm, pháp, khiến cho bốn chỗ này được thanh thản, an lạc và vô sự.

Phật lấy chỗ tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, làm mục đích giải thoát cho con đường tu tập của mình, cho nên người tu tập ngăn ác diệt ác pháp là người tu tập thiền định của đạo Phật. Người nào sống biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, ăn, ngủ, độc cư, trầm lặng, tức là người biết ngăn ác diệt ác pháp, họ là người có thiền định.

Còn người nào không ngăn ác, diệt ác pháp là người không tu tập thiền định Phật giáo được. Thiền địnhcủa Phật giáo Nguyên Thủy chỉ dành riêng cho những người biết buông xả, buông xả sạch, tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Nhập được cũng phải do thiện pháp, ngoài thiện pháp đi tìm thiền định thì không bao giờ có. Có dứt khoát được tình cảm, có xa lìa được tài sản thì mới nhập được chánh định, bằng không chỉ là tu tập có hình thức, chẳng bao giờ nếm được mùi vị của giải thoát.

Thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy không phải thứ thiền định lìa cuộc sống, tu hành chỉ lo “Ngồi thiền” thì không bao giờ có sự giải thoát. Đó chỉ là tà thiền của ngoại đạo mà thôi. Thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy là sự bất động của thân tâm con người.

Mỗi phần trong thân tâm bất động là một loại thiền định. Sự bất động trong thiền hữu sắc gồm có:

1- Bất động ý thức uẩn nhập Sơ Thiền.

2- Bất động sắc uẩn nhập Nhị Thiền.

3- Bất động tưởng uẩn nhập Tam Thiền.

4- Bất động thọ uẩn và hành uẩn nhập Tứ Thiền. Nếu không có Tứ Thần Túc thì không bao giờ bất động được thân ngũ uẩn. Không bất động được thân ngũ uẩn thì không bao giờ nhập được Bốn Thánh Định.

Nhờ có Tứ Thần Túc mới nhập thiền, nhập định. Ví dụ: muốn nhập Nhị Thiền thì ra lệnh: "Thân tâm phải diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền"lúc bấy giờ sáu căn ngưng hoạt động, liền đó thân tâm nhập vào Nhị Thiền.

Nhập thiền định mà nhập theo kiểu ức chế tâm là sai, là không đúng theo thiền định Phật giáo. Thiền của Phật giáo không có điều thân, điều tức, điều tâm, mà chỉ có ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp (Bốn Tinh Cần là định tư cụ).

hiền không thể là khoa học, y học, vật lý học. Thiền định là thiền định; khoa học, y học, vật lý học là khoa học, y học, vật lý học. Cái lầm lạc của những người trí thức là hay tổng hợp lấy khoa học, y học, vật lý học, để minh chứng cho thiền định và lấy thiền định lồng trong y học, vật lý học, khoa học để bảo rằng thiền định là một sự thật không hư tưởng.

Định không phải chỉ chú tâm biết hít vô thở ra làm cho tâm không có vọng tưởng, tức không dùng hơi thở để tập trung tâm, để chế ngự tâm, để ức chế tâm, để nhiếp phục tâm làm cho tâm không khởi niệm. Hiểu như vậy là hiểu Định sai lạc, thành ra tu sai lầm.

Đối với Phật giáo, Thiền định là để nhập Tứ Thánh Định và thực hiện TAM MINH. Cơ sở cho sự tu tập thiền định là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Nương vào chỗ tâm thanh tịnh (tâm bất động) mới bắt đầu tu tập Tứ Như Ý Túc, là tu tập rèn luyện thần lực, tức là tu tập để có bảy năng lực giác chi.

Có bảy năng lực giác chi mới nhập được các định. Thiền định được phân làm hai loại:

1- Loại nhập định còn biết thân gọi là Tâm Định. Tâm định gồm có những loại định:

1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác,

2- Định Vô Lậu,

3- Định Niệm Hơi Thở,

4- Định Sáng Suốt,

5- Định Tư Cụ (Tứ Chánh Cần),

6- Định Tứ Niệm Xứ,

7- Định Thân Hành Niệm,

8- Định Từ Tâm,

9- Định Bi Tâm,

10- Định Hỷ Tâm,

11- Định Xả Tâm,

12- Định Tứ Bất Hoại Tịnh,

13- Định Bất Động Tâm,

14- Định Vô tướng Tâm,

15- Định Diệt Tầm Giữ Tứ,

16- Định Sơ Thiền.

2- Loại nhập định không biết thân gọi là Thân Định. Thân định gồm có những định:

1- Định Nhị Thiền,

2- Định Tam Thiền,

3- Định Tứ Thiền, (Thiền định của đạo Phật, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền là những pháp môn giải thoát, tự tại sanh tử, làm chủ sự sống chết của thân tâm).

4- Định Không Vô Biện Xứ Tưởng,

5- Định Thức Vô Biên Xứ Tưởng,

6- Định Vô Sở Hữu Xứ Tưởng,

7- Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ,

8- Định Diệt Thọ Tưởng (các thiền định vô sắc, định tưởng của ngoại đạo, không tự tại sanh tử).

Gợi ý